[3DS] Crimson Shroud - Áo choàng thẫm đỏ

Cửa hàng game Nintendo nShop

Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

AbraShiva

Bwahahaha
Thành viên BQT
Crimson Shroud
Áo choàng thẫm đỏ



Phát triển: Level-5, Nex Entertainment
Phát hành: Level-5
Giá bán: 7,99 USD (3DS eShop)
Art Director: Hideo Minaba
Character Design: Hideo Minaba
Director: Yasumi Matsuno
English Translator: Joseph Reeder, Alexander O. Smith
Music Composer: Hitoshi Sakimoto
Scenario Editor: Kyoko Kitahara
Scenario Writer: Yasumi Matsuno
Website
Crimson Shroud không hoa mỹ, không có những khung cảnh hoành tráng. Thứ mà Crimson Shroud dùng để chiêu dụ và thỏa mãn người chơi là câu chuyện, không khí của nó. Phần còn lại là do trí tưởng tượng của chính người chơi.

Lấy nền tảng chủ đạo là mong muốn tái hiện lại thể loại trò chơi nhập vai kiểu cổ, Crimson Shroud xây dựng lên một "bàn cờ" broadgame lớn với các quân cờ nhân vật và xúc xắc. Nếu bạn đã từng thử qua những broadgame nhập vai, phiêu lưu thì việc hình dung ra thế giới trong Crimson Shroud không phải là quá khó.

Ở Crimson Shroud, chúng ta còn thấy có sự pha trộn của thể loại Visual Novel. Với cốt truyện hấp dẫn, những câu chữ lôi cuốn của Crimson Shroud sẽ liên tục thôi thúc bạn tiếp tục cuộc hành trình với nhiều bí ẩn và cảm xúc trong game.


Người chơi sẽ điều khiển ba "quân cờ" nhân vật chính. Bạn sẽ chọn địa điểm cho các nhân vật của mình di chuyển đến trên bản đồ hiển thị ở màn hình dưới. Màn hình trên dùng để "chạy chữ" kể lại chuyện diễn ra khi nhân vật đến nơi đã chọn. Crimson Shroud là một bàn cờ với các quân cờ đúng nghĩa. Bạn sẽ không thấy các nhân vật diễn hoạt như trong những đoạn hoạt cảnh thông thường của game nhập vai. Mọi cử động của họ chỉ dừng lại ở mức rung, lắc trong trận đấu. Phần "chữ nghĩa" dẫn chuyện có nhiệm vụ mô tả chi tiết cảnh vật, lời nói, trạng thái của nhân vật như khi ta đang đọc một cuốn sách.

Còn với các trận đấu, về cơ bản, cũng như những game nhập vai theo lượt truyền thống, bạn chọn đòn đánh, kỹ năng cho nhận vật của mình thi triển theo từng phiên. Điểm khác biệt của Crimson Shroud là một số kỹ năng hoặc tình huống trong trận đánh sẽ cần thực hiện với sự trợ giúp của các viên xúc xắc đa hình, đa dạng. Chẳng hạn như gieo xúc xắc để quyết định số mana được cộng thêm, để xem một kỹ năng có thực hiện thành công hay không... Số lượng và kiểu dáng xúc xắc tùy thuộc vào loại đòn thế hoặc tình huống.


Kỹ năng và chiêu thức trong Crimson Shroud được phân chia thành các thuộc tính khác nhau. Khi thực hiện một chiêu thức, một thuộc tính sẽ được xác nhận và lưu lại tạm thời vào "ghi chú" của trận đấu. Khi bạn tạo được một chuỗi nhiều thuộc tính nối tiếp nhau không trùng lắp, không tương khắc phá bỏ nhau (gồm cả thuộc tính đòn đánh của đối phương) thì game sẽ thưởng cho bạn các viên xúc xắc tương ứng. Các viên xúc xắc này dùng để thêm sát thương, tác dụng vào đòn đánh hoặc thêm điểm đổi phần thưởng cuối mỗi trận.

Nói về phần thưởng cuối mỗi trận đánh thì đó là những thứ của kẻ địch rơi ra. Bạn thắng không có nghĩa bạn có thể lấy toàn bộ chiến lợi phẩm. Mỗi vật phẩm đều có "giá trị" riêng và bạn chỉ được lấy trong lượng tổng giá trị cho phép (khác nhau ở mỗi trận). Do đó mới có việc dùng xúc xắc để đổi điểm lấy quà.

Trong Crimson Shroud không có hệ thống cửa hàng bán vật phẩm hay làng mạc. Vì vậy quái sẽ không rơi ra tiền bạc như ta thường thấy. "Máu" của nhân vật tự phục hồi sau mỗi trận đấu, còn mana thì không. Bạn cũng có thể "hòa trộn" các vũ khí, trang bị cùng loại để tạo ra cái mạnh hơn. Hay ép thêm phép vào vật phẩm. Mỗi vũ khí, trang bị sẽ có đòn đánh đặc trưng riêng của mình. Khi đổi trang bị tức là bạn đã thay đổi một số kỹ năng của nhân vật. Còn lại thì khi lên cấp, các nhân vật sẽ được chọn một trong ba đòn để học mỗi người. Hai đòn còn lại vẫn tiếp tục hiện diện ở đó chờ đợi chứ không mất đi. Cứ thế tiếp tục cho lần lên cấp tiếp theo.

Nhìn chung, hệ thống gameplay của Crimson Shroud có chiều sâu, nhiều thứ để làm quen nhưng dễ nắm bắt. Nó giúp cho các trận đánh trong game không nhàm chán và phần nào làm đẹp lòng người yêu thích thể loại nhập vai.


Nếu Crimson Shroud có lối chơi lôi cuốn, cốt truyện thu hút thì phần đồ họa tiếc là chưa được tương xứng. Thiết kế nhân vật tốt, nhiều tiềm năng nhưng mô hình 3D lại khá thô, không vuông thành sắc cạnh. Hơi thất vọng nhất là khi game không có nhiều nhân vật, mô hình cần dựng. Ngoài điểm trừ đó đó thì hệ thống menu, chữ nghĩa được làm rất tốt, trực quan, dễ nhìn, dễ đọc. Các hình ảnh 2D dùng để dẫn chuyện và bản đồ cũng góp phần tạo nên không khí chủ đạo của game khi được vẽ theo phong cách Tây phương cổ điển, huyền bí.

Trong thành công của Crimson Shroud, nhạc nền và hiệu ứng âm thanh là dấu nhấn lớn. Các bản nhạc nền rất hợp "tâm trạng" được đưa vào đúng lúc, đúng chỗ liên tục dìu dắt cảm xúc của người chơi. Hầu hết đều mang âm giai trầm buồn và có chút pha lẫn mộng mị. Cộng thêm sự trợ sức của các hiệu ứng âm thanh tinh tế như tiếng bước chân, nước chảy, chim hót, gió, tiếng cười, tiếng thở... khiến câu chuyện trong Crimson Shroud được tái hiện lại thêm phần sinh động. Có thể nói âm nhạc của Crimson Shroud đã giúp vẽ ra được hơn 50 phần trăm cái không gian và xúc cảm mà trò chơi muốn diễn tả.


Crimson Shroud là nơi để các "cậu nhóc" sống lại cái cảm giác nhập tâm vào các trận chiến giả với tượng người hùng như lúc nhỏ thưở xưa. Game rất ngắn, kết thúc khá chóng vánh. Dù cho phép chơi lại với các chỉ số tăng cao hơn nhưng Crimson Shroud vẫn để lại sự tiếc nuối trong lòng người chơi. Thời lượng chơi cùng cái kết nhanh của game khiến ta có cảm giác như đây chỉ là một chương mở đầu cho sự ra đời của một dòng game mới rất nhiều tiềm năng. Nó như một sự mời gọi hấp dẫn rồi biến mất, làm ta khao khát. Tuy nhiên Crimson Shroud lại là một game kén người chơi do không có vẻ ngoài quá thời thượng, lại nặng về câu chữ. Nhưng nếu chịu bỏ chút thời gian thử sức, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra mình cũng nằm trong những người "kén" đó.

 
Trạng thái
Không mở trả lời sau này.

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top