Nintendo đang từng bước thâu tóm thị trường Nhật Bản

Kể từ lần đầu tiên được công bố tại hội chợ E3 2011, Wii U luôn là chủ đề nóng bỏng trong ngành công nghiệp game.
Một số người cho rằng hệ console next-gen này quá yếu đuối, và sẽ bị đè bẹp khi hai ông lớn Sony và Microsoft bước vào cuộc chơi.
Số khác cho rằng chất lượng đồ họa vẫn còn trong giai đoạn đầu và sẽ được cải thiện hơn nữa.
Cũng có vài người khác chỉ ra rằng những game như Black Ops 2 sẽ chạy với tốc độ 60fps ở độ phân giải 1080p, đây là điều mà thế hệ console hiện tại không thể nào làm được.
Nhưng đồ họa không phải là thứ hấp dẫn nhất của hệ máy mới này, cũng không phải chiếc tay cầm dạng tablet lạ lẫm kia.
Nói thẳng ra là bản thân Wii U không phải là một cuộc cách mạng mới của Nintendo mà chính là những tựa game của nó. Cụ thể hơn là những game độc quyền như Bayonetta 2, Zombi U hay Rayman Legends.
Nội dung mới chính là sức mạnh

Nintendo đã thỏa thuận được quyền phát hành dòng game kinh dị Fatal Frame trên hệ máy của mình. Bản Fatal Frame đầu tiên được làm trên Xbox và PS2.
Những game như Bayonetta cũng xuất hiện lần đầu trên Xbox 360 và PS3, nhưng với Sega hiện tại không mặn mà gì với phiên bản kế tiếp, Nintendo đã nhanh chóng giành quyền phát hành game này, và nối dài danh sách game Wii U.
Trong khi đó cà Rayman Legends và Zombi U đều đang được Ubisoft phát triển độc quyền cho Wii U, mặc dù Rayman luôn là một game đa nền từ nhiều năm qua.
Những thương hiệu khác, như dòng Dragon Quest của Square Enix, cũng đang trở thành hàng độc quyền của Wii, 3DS và Wii U, với phiên bản mới nhất là Dragon Quest X phát hành trên cả ba hệ máy này.
Đã từng có một thời gian dài Nintendo chỉ làm việc với các tựa game first-party của mình, dính liền với dòng game Mario, và thỉnh thoảng làm vài tựa Zelda.
Dưới ảnh hưởng của ông Shigeru Miyamoto, Nintendo gần như chỉ đâm đầu vào những thương hiệu cũ kỹ, tạo ra một danh sách dài những game Donkey Kong, Luigi và Wario. Dường như chẳng ai bận tâm tới các tựa game third-party.
Với sự ra đời của Wii, và chiến lược mới của ông Satoru Iwata, điều này đang dần dần thay đổi một cách tích cực.
Năm 2007, Nintendo mua lại Monolith Soft, nhà phát triển dòng game Xenosaga, đạt được hơn 80% công ty từ chủ cũ Namco Bandai. Ba năm sau, họ đã cho ra đời Xenoblade Chronicles độc quyền trên Wii tại Nhật, và tiếp tục phát hành tại Bắc Mỹ hai năm sau.
Trong khi đó dòng Monster Hunter của Capcom gần như không xuất hiện trên các hệ máy hiện tại ngoài Wii và cũng đang chuẩn bị một bản độc quyền trên Wii U sắp tới.
Có vẻ như cả Namco Bandai và Capcom đều đang nhích dần về phía Nintendo. Và chắc chắn là Ubisoft đang hết mình hợp tác với Nintendo.
Với những thỏa thuận độc quyền tới tấp và dữ dội như thế này, các tin đồn như Nintendo đang muốn mua lại hãng Rare để chiếm giữ thương hiệu Banjo Kazooie cũng không còn là những lời đồn thất thiệt nữa, tất cả đều có thể xảy ra.
Thay đổi thị trường game Nhật Bản

Thoát ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp chỉ biết có Mario và các tựa first-party khác, cố gắng chiếm lĩnh càng nhiều thương hiệu càng tốt, những chiến lược này có thể nâng tầm ảnh hưởng của Nintendo lên cao hơn nữa, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản khi người chơi không hề tiếc tiền mua máy mới để theo đuổi dòng game yêu thích của mình.
Chúng ta đã thấy danh sách dài dằng dặc những game đa nền cũng như độc quyền trên Wii U lái ánh nhìn kì thị của đồ họa yếu kém sang những gì mà người chơi có thể thưởng thức trên hệ máy mới này. Nếu những thỏa thuận độc quyền này tiếp tục, hoặc Nintendo cứ mua lại những dòng game cũ và những studio đang gặp khó khăn, chúng ta có thể thấy một sự chuyển mình của thị trường game Nhật Bản, đặc biệt là khi những nỗ lực của Microsoft không mấy khả quan tại xứ người và Sony đang vật lộn với chính mình.
Chúng ta có nên lo lắng không?
Cạnh trạnh là rất quan trọng cho sự phát triển của bất kỳ ngành công nghiệp nào, đặc biệt là những ngành công nghệ cao. Xu hướng các tên tuổi lớn mua lại các studio nhỏ và dòng game của họ luôn để lại những cảm xúc lẫn lộn đối với dòng game đó và người tiêu dùng, và chắc chắn chính những người phát triển nữa.
Nintendo thành công bằng sự tổn thất của Sony là một thiệt hại đáng kể cho thị trường châu Á khi ở đây gần như không còn sự cạnh tranh đáng kể nào khác.
Mặc dù vậy, vẫn còn quá sớm để nói Nintendo có thật sự đang đe dọa Sony, hay tình trạng hiện giờ của Sony chỉ đơn giản là phong độ nhất thời. Có thể Sony chỉ đang trải qua sự suy thoái mà cả ngành công nghiệp đang gánh chịu, hoặc Nintendo chỉ đang cố gắng bắt kịp Sony khi họ đã có hàng loạt các thương hiệu độc quyền như God of War, LittleBigPlanet hay The Unfinished Swan.
Dù sao đi nữa thì Nintendo cũng đang có những bước đi táo bạo hơn nhiều người có thể nhận ra với Wii U.
Wii U đang đẩy mạnh việc phát hành trực tuyến, và có tin đồn là sẽ có những ưu đãi đặc biệt cho các nhà phát triển quan tâm tới mảng trực tuyến này.
Cùng với việc thu gom các thương hiệu tiềm năng, Miiverse cũng đã đưa Nintendo đi trước các đối thủ khác thiết lập nền tảng mạng xã hội trên máy của mình.
Nhiều người vẫn cho rằng Wii U chỉ lấp đầy khoảng trống tạm thời giữa thế hệ máy chơi game hiện tại và thế hệ next-gen "đích thực" đến từ Sony và Microsoft, nhưng có thể Nintendo đang nhập cuộc chơi next-gen sớm hơn các đối thủ khác.
Sự cải tiến trong phần cứng là không đáng kể và tay cầm mới chỉ là một mẹo đánh vào sự tò mò của người dùng, nhưng với tiềm năng của hệ thống mạng xã hội mới và số lượng khổng lồ các thương hiệu độc quyền của Wii U, Nintendo có thể làm rung chuyển mọi thứ theo cách khó lường nhất.
Vừa là một người dẫn đầu trong mảng cung cấp nội dung số, vừa là một công ty truyền thông xã hội, Nintendo đang hướng tới không chỉ là một cỗ máy mới: họ đang cung cấp một hệ sinh thái, giống như những gì mà Apple đang làm trong lĩnh vực di động.
Liệu Nintendo có chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Nhật Bản hay không chỉ có thời gian mới trả lời được, mệt quá.