Chuyện khó tin nhưng có thật

Cửa hàng game Nintendo nShop

Chuyện khó tin nhưng có thật
Hi all, mình post 1 số chuyện được đăng trên Báo ANTG Cuối tháng, dành cho một số bạn chưa được xem,khá hay

Mở hàng bằng câu chuyện thứ nhất:


Người "chết đói trên đống vàng"

Đêm đêm, ông bò ra khỏi giường với hốc mắt người ốm như một bóng ma đến nơi ông giấu những đồng tiền. Ông đếm chúng với đôi mắt man dại. Ông từng khóc nức nở trước những đồng tiền và ngủ gục bên chúng. Vợ ông đã van xin ông hãy dùng những đồng tiền đó để thuốc thang, ăn uống. Nhưng không cái gì có thể lay chuyển được ông.

Kính thưa Tòa soạn Báo ANTG Cuối tháng!

Hồi bé tôi từng nghe các cụ nói: "Chết đói trên đống vàng". Tôi không hiểu câu nói đó. Sau đó khi hiểu thì tôi không tin trên đời lại có người phải chết đói trên đống vàng của mình. Nhưng rồi cuộc đời tôi được chứng kiến có người đã chết đói trên đống tiền của mình thật. Tôi không thể nào hiểu nổi vì sao người ta lại có thể sống như thế.

Tôi viết câu chuyện này và gửi đến Tòa soạn Báo ANTG Cuối tháng để góp thêm vào những "Chuyện khó tin nhưng có thật" của Báo mà tôi đã theo dõi từ câu chuyện đầu tiên. Nếu thấy câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây không có ý nghĩa gì thì xin Tòa soạn cứ việc bỏ đi mà không cần phải hồi âm gì cho tôi cả. Tôi không viết như thế này bao giờ, cho nên chắc chắn sẽ có nhiều câu chẳng thành câu. Tôi xin Tòa soạn toàn quyền sửa chữa.

Ông V. là nhân vật chính trong câu chuyện tôi sẽ kể dưới đây. Ông V. ở cùng thị trấn với tôi. Cho đến bây giờ thì cả thị trấn vẫn lấy câu chuyện của ông để răn dạy con cháu nhiều điều. Ông có ba đứa con: hai trai, một gái. Vợ chồng ông làm nghề bán hàng nước và quà bánh ở thị trấn này từ khi tôi sinh ra. Nhưng ông nổi tiếng vì sự nghèo khổ của mình. Người trong thị trấn biết ông đều ngạc nhiên tự hỏi vì sao một người làm ăn cần cù như vợ chồng ông lại nghèo đến thế. Nhưng đúng ra là ông nổi tiếng vì cái sự mê tiền đến điên rồ của ông.

Thời học sinh đi học còn phải đóng học phí, ông luôn luôn tìm cách không đóng học phí cho ba đứa con. Hơn thế, ông còn thường xuyên viết đơn xin miễn học phí cho con. Cuối cùng, ông cho cả ba đứa con nghỉ học. Nhà trường và khu phố gặp ông để giải thích và động viên ông cho con đi học thì ông nói: "Rồi cũng chỉ đi bán hàng nước chứ làm gì mà phải học cho tốn tiền". Vì thế mà ba đứa con của ông đều trở thành những người thất học. Bất cứ việc gì liên quan đến tiền, ông đều tìm cách lẩn tránh. Không ai, kể cả ruột thịt của ông, có thể vay ông được một đồng. Cho đến khi đứa con thứ ba của ông bị ốm. Nếu ông bỏ tiền của ra lo thuốc thang cho con kịp thời thì con ông không trở thành một người tàn tật suốt đời.

Ông có tiền giấu trong nhà nhưng ông lại đi hỏi vay hết người này đến người khác. Ông sợ phải tiêu những đồng tiền của ông. Hậu quả của lòng tham lam và keo kiệt quá mức đã biến ông thành một kẻ độc ác. Trong khi đó, làng phố và những người họ hàng đã tìm cách giúp con ông chữa bệnh. Nhưng việc giúp đỡ như vậy cũng không thể kéo dài mãi mãi. Đứa con gái út của ông bị mù. Nếu ông không tiếc những đồng tiền của mình thì đứa bé không bị mù.

Ngày ấy, không nhiều người biết ông có tiền. Sau này, mọi người mới biết rằng chỉ có bà vợ của ông biết ông giữ những đồng tiền của mình như thế nào. Nhưng bà không thể làm được gì vì bà sống cũng chỉ như một người nô lệ trong gia đình mà thôi. Rồi đến lúc ông lâm bệnh, ông không chịu dùng những đồng tiền của mình để ăn uống, thuốc thang. Ông cam chịu tất cả để được nhìn thấy những đồng tiền.

Sau này, bà vợ ông đã kể cho tôi nghe những ngày đau ốm của ông. Một câu chuyện mà nếu tôi không sống cùng thị trấn với ông và ngày ngày gặp ông thì tôi cam đoan đó là một người điên. Đêm đêm, ông bò ra khỏi giường với hốc mắt người ốm như một bóng ma đến nơi ông giấu những đồng tiền. Ông đếm những đồng tiền với đôi mắt man dại. Ông từng khóc nức nở trước những đồng tiền và ngủ gục bên chúng. Vợ ông đã đêm đêm van xin ông hãy dùng những đồng tiền đó để thuốc thang, ăn uống. Nhưng không cái gì có thể lay chuyển được ông. Rồi ông chết. Bà vợ ông dù vô cùng nghèo khó nhưng cương quyết đốt những đồng tiền và bỏ tro vào trong áo quan cùng thi thể ông. Bà nói với tôi, bà đốt những đồng tiền vì hận ông và cũng vì sợ lòng tham tiền như thế có thể làm ông hóa thành ma về quấy nhiễu cuộc sống của bà và những đứa con nếu bà tiêu những đồng tiền đó của ông.

Câu chuyện bà đốt tiền là một câu chuyện kỳ lạ nhất ở thị trấn ngày ấy. Nhiều người cho rằng bà bị điên, bị ma ám. Nhưng sau này nghe chuyện ông V. giữ tiền như thế nào thì mọi người đều hiểu vì sao bà đã đốt toàn bộ số tiền ông V. cất giữ. End


Đọc xem chấm hỏi luôn (_ _!):myemo0117::myemo0117::myemo0117:
 
Chuyện thứ 2:Người phụ nữ đó là mẹ tôi

Quê ngoại của tôi ở Thanh Hóa, còn quê nội thì cho đến bây giờ tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết tôi lớn lên ở một nông trường trung du nơi mẹ tôi làm việc tại đó cho đến cuối đời. Những năm tháng thời chiến tranh, đất nước vô cùng khó khăn, mẹ tần tảo nuôi tôi ăn học.

Kính thưa Tòa soạn,

Câu chuyện về mẹ tôi mà tôi đã biết cách đây 20 năm nhưng bây giờ tôi mới kể. Xin Tòa soạn cho phép tôi được giấu tên. Không phải vì tôi sợ hãi điều gì mà tôi chỉ thấy không cần phải đưa tên những người có liên quan trong câu chuyện này. Tôi thiết nghĩ, khi đọc xong lá thư này Tòa soạn và bạn đọc sẽ thông cảm với tôi.

Hiện nay tôi là một thạc sĩ khoa học có uy tín trong nghề và trong cuộc sống. Những gì tôi thành đạt ngày hôm nay là do công nuôi dưỡng và dạy dỗ của mẹ tôi. Mẹ tôi đã qua đời cách đây năm năm. Nhưng đêm nào tôi cũng thắp một nén nhang trên bàn thờ mẹ và ngồi suy ngẫm về cuộc đời của mẹ tôi và của chính tôi.

Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết tôi sinh ra ở đâu và bố đẻ tôi là ai. Trước khi mẹ tôi mất nhiều năm, tôi đã nhiều lần hỏi mẹ tôi về bố đẻ tôi. Nhưng mẹ tôi chỉ khóc và nói là mẹ tôi không biết. Ngày ấy, tôi nghĩ có lẽ vì thù hận bố tôi ghê lắm mà cương quyết không cho tôi nhận bố. Tôi tin như vậy vì trong cuộc đời tôi cũng đã nghe những câu chuyện tương tự. Có những người hận thù người mình yêu hay chồng mình mà nói với con bố của nó đã chết và không cho bố con gặp nhau. Nhưng suốt cuộc đời sống với tôi, tôi luôn luôn nhận thấy mẹ tôi không có biểu hiện gì về sự thù hận của mẹ tôi đối với bố tôi. Tôi biết có một điều gì đó uẩn khúc trong lòng mẹ tôi mà không nói được ra.

Quê ngoại của tôi ở Thanh Hóa, còn quê nội thì cho đến bây giờ tôi cũng không biết. Tôi chỉ biết tôi lớn lên ở một nông trường trung du nơi mẹ tôi làm việc tại đó cho đến cuối đời. Những năm tháng thời chiến tranh, đất nước vô cùng khó khăn, mẹ tần tảo nuôi tôi ăn học. Tôi học rất giỏi và rất ngoan nên mọi người rất kính trọng mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi được kính trọng hơn vì tấm lòng của mẹ tôi đối với mọi người. Mẹ là một người có thể coi mọi con người sống gần mẹ tôi như ruột thịt. Ai thiếu thốn khó khăn, ai đau ốm bệnh tật, ai buồn khổ... mẹ tôi đều giúp đỡ. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhân ái và gương mẫu. Mẹ tôi là niềm tin yêu của tất cả mọi người. Chỉ có một điều làm mọi người băn khoăn. Đó là mẹ tôi đã sống một mình để nuôi tôi từ năm mẹ tôi mới chỉ 24 tuổi. Mẹ tôi là một người phụ nữ nhan sắc. Sự hy sinh vì mọi người và tính tình ít nói làm mẹ tôi càng thêm đẹp. Có bao nhiều người đàn ông đã đem lòng yêu thương mẹ tôi chân thành nhưng mẹ tôi đều chối từ.

Hồi đó, mẹ con tôi ở trong một căn hộ tập thể chật hẹp của nông trường làm bằng tranh tre, nên câu chuyện giữa mẹ tôi và những người đàn ông yêu mẹ tôi, tôi đều nghe được dù không muốn. Với người nào cũng vậy, mẹ tôi đều nói không xứng đáng với tình yêu thương của người ấy. Sau này lớn lên, tôi thường xuyên tự hỏi tại sao mẹ tôi lại nói là mẹ tôi không xứng đáng. Mẹ tôi có nhan sắc, mẹ tôi là một người có tấm lòng nhân ái, mẹ tôi là một người biết sống vì người khác. Vậy tại sao mẹ tôi lại nói mẹ tôi không xứng đáng? Hay là vì mẹ tôi đã có một đời chồng? Nhưng lý do đó không thuyết phục được tôi. Vì những người đàn ông đến với mẹ tôi với một tình yêu chân thành. Họ để lại trong ký ức tôi một hình ảnh đẹp.

Năm 26 tuổi thì tôi lấy vợ. Tôi quyết định nói chuyện với mẹ về bố đẻ của tôi. Tôi xin mẹ dù thù hận bố tôi đến đâu thì cũng cho tôi được báo tin ngày tôi lấy vợ để sau này tôi khỏi phải ân hận vì bất hiếu. Đêm ấy mẹ tôi khóc rất lâu. Chưa bao giờ tôi thấy mẹ tôi khóc đau đớn và tội nghiệp đến như vậy. Rồi mẹ tôi lau nước mắt nói với tôi là mẹ xin lỗi. Mẹ tôi hứa sẽ nói với tôi vào một ngày náo đó. Vì gần đến ngày vui và vì tôi không thể chịu đựng được khi nhìn mẹ tôi khóc như thế, tôi không hỏi mẹ tôi nữa. Nhưng tôi hiểu có một điều không bình thường về người bố đẻ của tôi.

Thế rồi tôi cũng không hỏi mẹ tôi nhiều như trước về bố đẻ tôi. Nhưng đến một ngày mẹ tôi gọi tôi đến và kể cho tôi nghe về bố đẻ của mình. Đó là những ngày mẹ tôi đau ốm. Hình như mẹ tôi đã biết trước mình sẽ ra đi vĩnh viễn. Mẹ tôi nhìn tôi đầm đìa nước mắt và bảo : “Mẹ không còn sống với con được lâu nữa. Mẹ đã hứa nói cho con biết bố đẻ con là ai. Mẹ không thể ra đi mà không nói với con. Nhưng mẹ mong con nghe xong câu chuyện này con hãy tha thứ cho mẹ. Mẹ xin con hãy tha thứ cho mẹ để mẹ có thể nhắm mắt được”. Lúc đó, mẹ tôi run rẩy nhắc đi nhắc lại câu “xin con hãy tha thứ cho mẹ”. Tôi cầm tay mẹ tôi, khóc và nói : “Con xin mẹ đừng nói như vậy, con đau lòng lắm”.

Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe về bố đẻ của tôi. Tôi bàng hoàng. Tôi không bàng hoàng về bố đẻ tôi mà tôi bàng hoàng về mẹ tôi. Cho đến lúc đó, tôi mới hiểu vì sao mẹ tôi không nói cho tôi nghe bố đẻ tôi là ai. Vì mẹ tôi cũng không biết và không thể nhớ được bố đẻ của tôi là ai nữa. Bố đẻ của tôi là một khách làng chơi. Ông chỉ đi qua cuộc đời mẹ tôi trong một khoảnh khắc, khi mẹ tôi còn quá thơ dại. Sự thật thì một khoảnh khắc tôi biết đó là ê chề và đau đớn, gặm nhấm và hành hạ mẹ tôi cả một đời người.

Khi mẹ tôi mang thai, những người bạn "đặc biệt" của mẹ tôi khuyên hãy phá thai. Nhưng mẹ tôi không làm việc ấy. Khi mang thai tôi được 5 tháng, mẹ tôi quyết định bỏ thành phố lên miền đất trung du này. Đêm đêm, mẹ tôi thề nguyền với cái thai rằng không bao giờ trở lại chốn phố phường mà mẹ tôi đã từng tủi nhục. Mẹ tôi xin được vào làm nấu cơm ở một nông trường trung du. Tôi được sinh ra ở đó. Từ đó, con người mẹ tôi hoàn toàn thay đổi. Mẹ tôi làm tất cả những gì có thể cho tôi và cho những người sống xunh quanh.

Kính thưa Tòa soạn,

Tôi đã ba lần viết lá thư như thế này nhưng tôi lại đốt đi. Tôi giày vò tự hỏi: Một người con thế nào nếu viết thư kể cho người khác nghe câu chuyện về mẹ mình như thế. Nhưng dù thế nào, tôi cũng thấy tự hào về mẹ tôi. Bởi mẹ tôi đã đi qua được lỗi lầm của đời mình. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi đã khóc trong đau khổ khi phải nói với những người đàn ông yêu mẹ tôi một cách chân thành là mẹ tôi không xứng đáng. Tôi tự hào vì mẹ tôi đã không một lúc nào không dạy tôi hãy nhân ái và giúp đỡ con người và mẹ tôi là tấm gương của lòng nhân ái và yêu thương con người như vậy. Tôi tự hào vì mẹ tôi đã không che giấu lỗi lầm của mình.Tôi hiểu mẹ tôi như thế, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó bất hiếu. Xin Tòa soạn hãy cho tôi một lời khuyên
 

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top