[Review] Etrian Odyssey Untold: The Millennium Girl (EOU)

Cửa hàng game Nintendo nShop

Kurogane

nWriter
Những điều đầu tiên muốn nói:
Đây là những gì mình cảm nhận được khi chơi và viết lại, vì vậy đây là bài viết cá nhân của mình, hoàn toàn không sao chép, lượm lặt hay dịch lại từ bất kỳ nguồn nào. Bài này mình viết hoàn toàn phi lợi nhuận (vì cũng chẳng ai trả tiền để mình viết) nên các bạn nếu thấy hay thì có thể cho mình 1 like gọi là động lực để viết tiếp. Các bạn muốn chia sẻ lên các trang nào đó khác, xin hãy ghi nguồn và tác giả là Kurogane (tất là mình ^^).
Nguồn game: Tự mua trên eshop. Nhà phát triển và phát hành Atlus.
Nguồn hình và nhạc: Google và Youtube.
Điều cuối cùng mình muốn nói là xin mời thưởng thức bài viết của mình. Cám ơn các bạn đã đọc. ^^

Etrian Odyssey Untold: The Millennium Girl (EOU)


Về tựa game: Etrian Odyssey mang ý nghĩa là "Sử thi của người Etria". Etria lúc đầu là một điểm tập kết của các chuyên gia mạo hiểm, tiến vào khám phá Yggdrasil (Cây thế giới). Dần dần mọi người tụ tập về đây càng nhiều và hình thành thành phố Etria. Từ đó người ta dùng từ Etrian để chỉ những con người được sinh ra từ Etria. Etrian Odyssey Untold là những câu chuyện cổ đã nằm sâu dưới lớp bụi bặm của thời gian, nay được tái hiện lại dựa vào những truyền thuyết và chuyện dân gian của người Etria.
Đây thật chất là một bản làm lại của Etrian Odyssey (EO) đã phát hành trên NDS. Nhưng có thể nói đây chính là một bản làm lại hoàn hảo để đưa dòng game Etrian Odyssey đi lên. Có thể nói Etrian Odyssey không chiếm được lượng fan lớn, phần nhiều do chính những gì mà nó mang lại. “Đồ họa dở tệ, quái vật nhìn như những khung hình giấy, nhân vật thì chẳng nhìn thấy được gì đến cả cái móng tay hay cây kiếm, chẳng có đến một cái cốt truyện tử tế, gameplay buồn ngủ, vẽ mấy cái bản đồ này thật phức tạp và rắc rối, nhìn muốn rối mắt nhức đầu quá, nói chung thì đi ngủ còn sướng hơn”. Đó chính là những lời nhận xét của những người bạn của tôi khi tôi đưa họ chơi thử Etrian Odyssey. Và thật sự thì, đến EOU cũng nhận được khá nhiều lời nhận xét như vậy. Đó chính là những hạn chế của EO trong việc thu hút fan cho mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta bỏ qua tất cả các hạn chế đó và chịu khó chơi, nhìn vào những mặt khác của EO cũng như EOU thì chúng ta sẽ thấy Etrian Odyssey là một dòng game hoàn toàn đáng đồng tiền bát gạo cũng như thời gian chúng ta bỏ ra để chơi.




Điều đầu tiên về EO nói chung chính là chế độ Classic của game. Đây là chế độ chơi tự do, không có cốt truyện, không có sự gò bó gì cả. Với những người mới chơi lần đầu thì đây thật sự là một điều khó khăn cho họ để có thể thưởng thức game. Không có hướng dẫn cụ thể, cũng không có bất kì điều gì để so sánh, ngoài biết được nhân vật đó thuộc nghề nào, vài dòng thông tin mô tả để biết được nhân vật đó xài vũ khí gì, có đặc điểm gì nổi bật qua một đoạn văn miêu tả mơ hồ. Đây chính là một điều ngăn cản dòng game EO với người chơi mới. Tuy nhiên, điều này cũng có thể xem là một sự sàng lọc để sàng lọc những nhà phiêu lưu thật thụ với những người chơi nửa vời bởi tất cả các thông tin, kỹ năng đều có thể tìm kiếm trên mạng để tham khảo và lựa chọn một đội hình thích hợp cho mình rồi mới bắt đầu chơi game. Đây cũng như một sự chuẩn bị mà bất cứ một nhà phiêu lưu nào cũng phải làm trước khi khởi hành. Việc lựa chọn nghề nghiệp để xây dựng đội hình là cả một nghệ thuật, với 9 nghề trong chế độ classic và 2 nghề (Highlander và Gunner) đạt được khi chơi xong chế độ cốt truyện nâng tổng số nghề lên 11 nghề, và chúng ta có thể xây dựng đội hình 5 người với bao nhiêu người trùng nghề cũng được, nâng tổng số sự lựa chọn chiến thuật rất cao, do đó mà game có thể chứa đến 35 nhân vật để người chơi có thể lựa chọn, tổ hợp thành một đội hình thích hợp để đi phiêu lưu. Và chắc chắn là chúng ta phải liên tục thay đổi đội hình phù hợp tiến xuống từng tầng trong khu vực hầm mộ, khiến việc chơi lại và cày kéo các nhân vật khác là rất cần thiết, đây là một trong các yếu tố tạo nên giá trị của dòng game.


(Ảnh mượn từ EO2 vì không thể tìm được ảnh của EOU, Miiverse không hỗ trợ đăng ảnh của EOU)​

Về các cải tiến đáng kể của EOU, phải kể đến hệ thống cây kỹ năng. Thật ra hệ thống cây kỹ năng đã có ở EO4, nhưng ở EO4 cây kỹ năng lại phân chia thành 3 cấp ứng với nhập môn-thành thạo-bậc thầy và mỗi cấp lại chiếm 1 màn hình, khiến việc tra cứu mỗi lần rất tốn thời gian và khó chịu khi cứ phải chỉnh qua chỉnh lại 2 màn hình. EOU lại bỏ được khuyết điểm đó nhờ việc rút gọn lại hệ thống cây kỹ năng khiến việc tra cứu và phân phối điểm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc phân phối điểm cho một nhân vật chính là một môn rất khó trong EOU. Hệ thống tính sát thương của game chia làm vật lý và phép thuật, với mỗi phần lại chia làm 3 hệ. Sát thương vật lý gồm 3 dạng là chém (cut), va đập (bash) và xuyên thấu (stab). Sát thương phép thuật lại chia thành 3 dạng là lửa (fire), băng (ice) và sấm sét (thunder). Các kỹ năng hỗ trợ bao gồm nâng chỉ số trong trận đánh, hạ chỉ số kẻ địch, hồi máu, hỗ trợ bị động/chủ động, sử dụng ngoài môi trường. Kỹ năng nâng chỉ số trong trận đánh lại bao gồm nâng sát thương vật lý/ phép thuật, nâng phòng ngự vật lý/phép thuật, nâng chính xác/né tránh. Cho dù là các nhân vật thuần vật lý, phép thuật hay hỗ trợ thì đều gặp một vấn đề rất đau đầu chính là dù cho có đạt được cấp tối đa thì điểm kỹ năng vẫn không đủ nâng. Cấp tối đa chính là 99 với các khoản điểm cộng thêm thì tổng điểm kỹ năng nhận được là 128 điểm kỹ năng, nhìn rất nhiều nhưng thật ra không đủ nâng buộc người chơi phải lựa chọn chiến thuật là nâng tối đa một đường, các đường kia là hỗ trợ và phải chơi thêm vài nhân vật khác để thay thế cho phù hợp hệ với boss hoặc chơi nâng điểm một cách bình bình để có thể mở đường gặp boss. Ngoài ra game còn hạn chế số lượng phép hỗ trợ và phép hạ chỉ số kẻ địch là 3. Chính vì vậy không thể tận dụng mọi loại phép hỗ trợ để tạo nên những con quái vật với hàng chục loại nâng chỉ số như những game khác. Đây chính là điểm khiến game tăng tính chiến thuật lên rất cao, khi buộc người chơi phải đọc vị được boss để biết khi nào nâng chỉ số để phòng ngự, khi nào nâng chỉ số để tấn công, lúc nào cần hỗ trợ cái gì, tính toán đội hình để đạt được lượng hỗ trợ tối ưu. Có thể nói mỗi trận đánh như là một ván cờ mà mình phải biết được đối phương sẽ đi con nào ở mỗi nước đi để chống đỡ và phản công một cách hợp lý nhất.


Một điều tuyệt vời khác của game chính là hệ thống Grimoire stone giúp người chơi có thể học được những kỹ năng của các nghề nghiệp khác cũng như một số kỹ năng đặc thù chỉ có ở quái vật. Điều này giúp tăng tính chiến thuật của game, cũng như hỗ trợ người chơi rất nhiều nếu biết tận dụng, chẳng hạn như một nhân vật hỗ trợ với chỉ số máu thấp lè tè cùng chỉ số phòng ngự tệ hại mà lại không có kỹ năng để cải thiện. Chỉ cần gắn Grimoire Stone có HP up và Defend up vào sẽ tăng cơ hội sống sót của nhân vật đó lên rất cao. Hoặc là đã nâng hết điểm kỹ năng vào các kỹ năng chiến đấu và cần đào đồ để chế đồ hoặc làm nhiệm vụ thì có thể cầm Grimoire Stone có hỗ trợ kỹ năng đào đồ ở các điểm khai thác. Tuy nhiên, thật tế có một số nhân vật cầm Grimoire phù hợp với mình nhưng lại không được cộng vào các kỹ năng hỗ trợ ẩn mà họ không có trong cây kỹ năng của mình, đây là điều đã được mình thực nghiệm.



EOU nói riêng hay dòng EO nói chung đều có một đặc điểm khá là khó chịu cũng như khá là đặc biệt tạo nên một dấu ấn riêng của mình, chính là hệ thống vẽ bản đồ. Khác với các dòng game khác, EOU hay dòng EO không có bản đồ, chính người chơi phải tự vẽ bản đồ trong quá trình phiêu lưu. Với một số người không quen thì điều này hết sức là khó chịu, các kiểu ký hiệu, phải vừa chơi vừa vạch vạch vẽ vẽ trên cảm ứng. Nhưng với những người đã quen với điều này thì đây chính là một điểm đặc biệt của game. Một bản đồ của chính người chơi. Đúng vậy, một bản đồ hoàn toàn thuộc về mình với các ký hiệu do mình tự quy ước, tự đặt ra như những ngày còn nhỏ vẫn thường chơi kho báu hải tặc với một tấm bản đồ do tự mình nghĩ ra. Thậm chí với tấm bản đồ do mình tự vẽ trong game, mình còn có thể chơi mà không cần nhìn màn hình trên để tìm đường vì mọi thứ đều đã được mình thể hiện chi tiết từng chút một trong bản đồ của mình vẽ ^^.


Cải tiến lớn nhất của EOU chính là game đã có một cốt truyện chính thống mặc dù còn khá sơ xài trong chế độ Story. Các tình tiết trong câu chuyện khá đơn giản, nhân vật phản diện không thật sự nổi bật, về điều này thì game không bằng được với dòng game Shin Megami Tensei cũng của Atlus. Tuy nhiên vẫn có những nhân vật khiến chúng ta phải ấn tượng như trí thông minh nhân tạo M.I.K.E. , thám tử kì bí Austin hoặc Chieftain của Radha Hall.


Các tình tiết game chủ yếu xoay quanh việc khắc họa tính cách các nhân vật chính, cuộc sống ngày thường của họ ở Etria, các cuộc trò chuyện, suy nghĩ của họ trong cuộc phiêu lưu. Điểm trừ của game chính là các yếu tố này khá mờ nhạt, chưa khắc sâu được ấn tượng cũng như tính cách của các nhân vật chính. Nhưng điểm cộng chính là việc chúng ta có sự lựa chọn trong các tình huống sự kiện của game và các câu trả lời cũng như phản ứng của các nhân vật tiếp sau đó là tùy thuộc vào sự lựa chọn của ta trước đó (chứ không phải là dù chọn lựa chọn nào thì cũng nhận được một câu trả lời duy nhất), các đoạn hoạt cảnh này khá là thú vị và có nhiều bất ngờ, như việc mỗi khi hái lượm trong những bụi cây ra 1 trái cây lạ, tôi lại đem cho Arthur ăn hoặc đè ra nhét vào, nếu có độc thì một mình Arthur chịu, còn nếu là đồ tốt thì mọi người cùng ăn (hehe), hoặc khi ăn trúng 1 trái gây ra mùi hôi cơ thể, thế là có lựa chọn cả đám thảy Arthur xuống sông hoặc Raquna sẽ đạp Arthur xuống sông hoặc cả đám sẽ chạy trốn Arthur đến khi hết mùi thì mọi người lại chạy ra ^^ (chứ sao bây giờ). Điểm này của game nếu khai thác tốt có thể khiến game rất phong phú và thay đổi không khí căng thẳng của hầm ngục.



Đi cùng chế độ chơi theo cốt truyện của game chính là những đoạn cắt cảnh. Một sự thật đáng buồn là những đoạn cắt cảnh này không có 3D. Mặc dù khá ngắn nhưng nó đã cho chúng ta thấy một phần nào đó về các thay đổi đáng mừng đối với dòng game EO, cải thiện việc trải nghiệm câu truyện của game.


Thêm vào đó chính là âm nhạc tuyệt vời của game. Các bản nhạc thay đổi theo từng khu vực. Quảng trường Etria khi bạn nghe kỹ thì sẽ thấy, âm nhạc sẽ chia làm 3 bản theo thời gian trong ngày.
Khu vực một trong hầm ngục là một bản “The green green woodlands” nhẹ nhàng, êm dịu của một khu rừng xanh thẳm.


Khu vực hai lại là một bản “Primitive Jungle” đầy hoang sơ, ngẫu hứng của một khu rừng nguyên thủy.


Khu vực ba là một bản “The Millennial Azure Woodlands” trầm lắng những nốt nhạc như những cơn sóng nước vỗ bờ, những nhịp mưa rơi, những tiếng ếch kêu và bắt mồi của một khu rừng cây xanh ngàn năm.


Khu vực bốn là “The Withered Forest” thể hiện sự thê lương, tàn khóc của một khu rừng đầy ma mị và úa tàn như mắc phải một lời nguyền dần sa mạc hóa.


Khu vực năm là bài “The Fallen Capital of Shinjuku” với những nốt ngân cao thể hiện sự tự hào và vẻ vang về một Shinjuku đã biến mất theo dòng lịch sử, sau đó là những nốt luyến kéo dài như một sự tiếc nuối kể về lịch sử của một Shinjuku to lớn của một ngàn năm trước.


Khu vực sáu là bài “Claret Cavern” với màn mở đầu là những tiếng kẽo kẹt như một người đang âm thầm tiến tới, rồi những nốt ngân cao và kéo dài như báo trước một sự nguy hiểm, tiếp nối là những âm thanh dồn dập nghẹt thở của một trận chiến lớn cùng với đó là một hồi báo một bí mật to lớn sẽ được kéo rèm ra ánh sáng (và sự thật thì khu vực sáu của game là một khu vực đầy nguy hiểm nhất, những cái chết không báo trước dù là đang chơi ở trình độ dễ nhất, sau khi hồi sinh để đánh tiếp thì cơ hội nằm lại tại chỗ vẫn là rất cao ^^).



Đồ họa của game cải tiến khá rõ rệt so với bản EO trên DS, quái vật đã được dựng 2,5D và môi trường đã được làm 3D hoàn toàn. Cảm giác đầu tiên mà người chơi cảm nhận được khi bật 3D chính là sự rộng lớn và bao la của những khu rừng. Cánh rừng như trải dài ra tới những nơi đầy bí ẩn. Cách dàn trải, sắp xếp nền ở hai bên trong một con đường đi nhỏ hẹp, những điểm nhấn đánh dấu lối tắt khiến chúng ta đỡ nhàm chán và không có cảm giác lập lại. Quái vật có sự chuyển động và làm một số động tác đặc thù chứ không còn đứng yên giống mô hình giấy như trong EO.


Một điều rất đáng tiếc cho EOU chính là game không có điểm nhấn riêng của mình. Có lẽ vì là bản làm lại của những bản game đầu tiên nên game không có những điểm nhấn như căng buồm ra khơi trong EO3 hoặc lướt giữa mây trời bằng du thuyền trong EO4 (Riêng bản EOU2 sắp ra lại được ưu ái hơn với những tính năng độc đáo như xây dựng thành phố Etria, nấu ăn và trao đổi Grimore Stone). Điều này khiến cho ta có cảm giác game EOU khá là nhỏ bé với 6 hầm ngục (30 tầng) của Yggdrasil và 5 tầng của Gladsheim.



EO3 vởi điểm nhấn là việc nâng cấp và căng buồm ra khơi tới những hòn đảo xa xôi và những hầm ngục bí ẩn.



Khám phá thế giới, lướt trên những cơn gió cùng chiếc du thuyền trong EO4.
Chính vì những điều trên mà EOU là 1 game rất đáng với đồng tiền cũng như thời gian và công sức mà chúng ta bỏ ra để chơi nhưng game lại rất hạn chế người chơi, cũng như việc đồ họa không đẹp lung linh để thu hút người chơi khác. Cái tinh túy của game chính là nằm ở cách chơi và trãi nghiệm mà game mang lại. Hãy thử khám phá vẻ đẹp của dòng game Etrian Odyssey, nhất là Etrian Odyssey Untold nào.

Một số mẹo và những điều cần lưu ý:

Game có một mẹo kiếm tiền rất nhanh. Khi vào trận đấu, nếu vào item, chọn sử dụng một món đồ, khi chuyển sang nhân vật tiếp theo, nhấn B hủy bỏ, chọn Boost, xong hủy bỏ, vậy là được thêm một món tương tự món đã dùng, lại chọn Boost và hủy bỏ, cứ mỗi lần như vậy lại được 1 món đã chọn dùng.

Ronin là một kiếm sĩ theo trường phái Iaido (Trường phái rút kiếm chém nhanh) do cần tốn 2 lượt để vào thế rút kiếm và tung chiêu với sát thương cực cao. Tuy nhiên Ronin máu và giáp rất yếu, do đó cần phải có một Protector để bảo vệ và việc bị hạn chế các kỹ năng hỗ trợ (do tốn 2/3 ô kỹ năng hỗ trợ để vào thế rút kiếm) vì vậy Ronin thường đi với Hexer như cặp đôi Ren và Tlachtga để Hexer tập trung giảm các chỉ số của đối phương, Troubador sẽ là một sự hỗ trợ tốt cho Ronin đánh vào điểm yếu của đối phương.
 

Kurogane

nWriter
Góc nhìn người thứ nhất di chuyển thấy nhức mắt quá, có đứa nhân vật minh hoạ ra vẫn thấy hấp dẫn hơn:-?
Thật ra khi mình chơi thì mình cũng không để ý điều đó, chủ yếu là tập trung vào chơi, xoay camera để xem xung quanh có đồ gì không, tính toán khoảng cách và bước di chuyển của FOE để tránh đụng khi còn yếu, xem các bước tiếp theo đi như thế nào xong rồi mới đi tiếp, khi đã tính toán xong hết thì việc đi tiếp có thể đi chục bước liên tục mà không cần dừng lại.
 

Kurogane

nWriter
Cùng mẹ atlus nên giống chang cái persona q nhỉ :D, à nói persona q bắt chước EO mới đúng chớ
à, thật ra là cùng mẹ nên nói bắt chước thì hơi quá, Atlus cũng có nói Persona Q là sự kết hợp giữa cách chơi EO và nhân vật Persona. Là kết hợp thôi :))
 

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top