Nintendo DS - Review

Cửa hàng game Nintendo nShop

Kawaii

Super Princess Peach
Tổng quan về hệ máy



- Nintendo DS là một hệ máy chơi game cầm tay được phát triển và sản xuất bởi công ty Nintendo. Được phát hành vào năm 2004 tại Canada, Mĩ và Nhật. Đây là hệ máy chơi game cầm tay đầu tiên của Nintendo được phát hành ra ở Bắc Mỹ, trước cả quê nhà Nhật Bản. Máy DS có thể kết nối không dây chuẩn IEEE 802.11, cho phép người sử dụng có thể kết nối tới những người chơi khác trong phạm vi khoảng (10-20m tùy hoàn cảnh), hoặc kết nối trực tuyến nhờ dịch vụ Nintendo Wi-Fi Connection. Tính chất nhân bản luôn được đề cao lên hàng đầu, qua cách chơi mạng này sẽ đem mọi người trên Thế Giới đến gần nhau hơn. Đơn giản, càng thêm nhiều người chơi, thì trò chơi đó sẽ càng thêm vui và như thế niềm vui sẽ được nhân đôi.

- Nintendo đã làm thay đổi hoàn toàn phương cách chơi game truyền thống của game thủ qua sự xuất hiện của DS. Với họ, hệ máy của mình không chỉ đơn thuần chỉ dùng để chơi game, mà nó còn khiến game thủ có nhiều cảm nhận khác sau khi chơi. Nintendo thật sự rất đáng khen, vì đã cho ra đời nhiều tựa game được dán nhãn E (Everyone), T (Teen) xuất hiện trên DS... Khi mà ngày nay nhiều game bạo lực và thể loại game kích thích giới tính đã quá đại trà, thị phần game thích hợp cho nhiều độ tuổi đã dần ít lại. Những game mà họ phát hành đều rất nhẹ nhàng thú vị và bổ ích, như đánh đố người chơi để nâng cao khả năng tư duy trí tuệ (Brain Age), như tập cho các em nhỏ có lòng nhân ái dành cho động vật (Nintendog), như việc tập tành làm nội trợ ở gia đình (Cooking Mama)...

- Cho đến hết năm 2010, Nintendo DS đã bán được hơn 144.590.000 chiếc cho toàn bộ dòng sản phẩm này, bao gồm các thế hệ đời sau của DS. Vinh dự nhận danh hiệu máy game handheld bán chạy nhất cho đến hiện tại, và xếp thứ hai về tổng thể cho các máy video game bán chạy nhất, sau PlayStation 2, nhưng tương lai vẫn còn đang ở trước mắt, sẽ không có gì lạ nếu các thế hệ đời sau của DS (điển hình là 3DS) vươn lên dẫn đầu một cách ngoại mục và giành lấy vinh quang về cho Công Ty Nintendo.


Ý tưởng phát triển ban đầu

- Để đạt được sự thành công ấy, DS phải trãi qua nhiều thời kỳ khác nhau, đan xen vào đó, thì thời khắc quan trọng nhất vẫn là ý tưởng ban đầu để phát triển và tạo dựng nên một thế hệ máy game cầm tay sáng tạo nhất đến tận ngày nay. Vào ngày 13 tháng 11 năm 2003, Nintendo thông báo rằng sẽ cho ra đời một hệ máy chơi game mới vào năm 2004. Nintendo nói rằng nó sẽ là một hệ máy thành công hơn so với GameCube hay GameBoy Advance SP, và đồng thời sẽ trở thành một "trụ cột" vững chắc của công ty này.

- Cho đến ngày 20 tháng 01 năm 2004, hệ máy đã được thông báo tên là "Nintendo DS". Nintendo tiết lộ rất ít thông tin vào lúc ấy, chỉ nói rằng hệ máy này sẽ có hai màn hình tinh thể lỏng TFT 3 inch riêng biệt, các nhân hoạt động riêng rẽ, và hơn 1GB bộ nhớ bán dẫn. Chủ tịch của Nintendo, Satoru Iwata nói rằng: "Chúng tôi đã phát triển Nintendo DS dựa trên những tiêu chuẩn hoàn toàn khác biệt so với những thiết bị chơi game hiện nay để mang đến cho người chơi cảm giác chơi game tuyệt vời mới mẻ của thế kỉ 21!"


Kiểu dáng ban đầu của DS trong giai đoạn đang được phát triển

- Đến tháng 3 năm 2004, tên mã sản phẩm lại đổi sang là "Nitro" (NTR-001, có thể nhìn thấy trên thân máy) và một tài liệu chứa đựng hầu hết các đặc điểm kĩ thuật của máy đã bị "rò rỉ" ra ngoài với nội dung nói rằng hệ thống chơi game mới này sẽ có đặc tính truyền đạt cảm hứng cao! Điều này đã tạo nên nhiều cơn sốt thời điểm đó, bởi tính hiếu kỳ của các game thủ là khá cao. Vào tháng 5, tên mã đã được đổi lại thành "Nintendo DS" (DS = Dual Screen, với ý nghĩa "màn hình đôi") và DS đã được trình chiếu nguyên bản tại hội chợ E3. Tất cả các đặc điểm của máy cũng đã được công bố tại E3. Vào ngày 28 tháng 07 năm 2004, Nintendo đưa ra một kiểu dáng thiết kế mới, được mô tả là "bóng bẩy và thanh lịch" hơn mẫu mã đã được trình chiếu trước đó tại E3. Tên mã "Nintendo DS" đã chính thức trở thành tên máy kể từ ngày đó. Nintendo đã phải chịu đựng nhiều lời đàm tiếu, nói rằng hệ máy mới này trông tương tự như máy chơi game đầu tiên của họ. Game & Watch! Đặc biệt là giống nhau ở kiểu dáng nhiều màn hình tương tự như máy game Donkey Kong.


Game & Watch, có thể được xem là tổ tiên của Nintendo DS

- Vào ngày 21 tháng 09 năm 2004, Nintendo thông báo rằng máy Nintendo DS sẽ được phát hành tại Bắc Mỹ với giá $149.99. Nó được dự kiến sẽ phát hành vào ngày 2 tháng 12 năm 2004 tại Nhật và các shop games tại Châu Âu và Úc. DS đã được phát hành vào một dịp event đêm tại Universal CityWalk EB Games ở Los Angeles, California. Vào tháng 1 năm 2005, khác với sự bùng nổ trên đất khách, ngược lại DS được phát hành ở quê nhà khá lặng lẽ, vì lí do thời tiết lạnh giá... Nối tiếp ngày phát hành ở Úc là 24 tháng 02 năm 2005 và ở Châu Âu là ngày 11 tháng 03 năm 2005 đã được công bố. Điểm cho sự kiện phát hành ở Châu Âu, chủ tịch Nintendo. Satoru Iwata đã phát biểu: "Châu Âu là một thị trường cực kì quan trọng của Nintendo, và chúng tôi hài lòng vì đã nắm bắt được chỉ trong một thời gian ngắn giữa hai lần phát hành tại Mĩ và Châu Âu. Chúng tôi tin tưởng rằng Nintendo DS sẽ thay đổi cách người ta chơi game và nhiệm vụ còn lại của chúng tôi là khai mở thêm những cảm giác chơi game mới mẻ hơn. Nintendo DS phục vụ cho nhu cầu của toàn thể game thủ không cần biết họ là những người tìm kiếm những thử thách thực sự, hay là những game thủ thích sự giải trí muốn nhanh chóng, nhẹ nhàng tìm thấy niềm vui."




Thiết kế và điều khiển:

- Công thức tạo nên điểm hấp dẫn của DS chính là "màn hình trên + màn hình dưới = sáng tạo". Thật tế cho thấy, khi bạn chơi một game nhập vai, màn hình trên sẽ quản lý các chỉ số, màn hình dưới dùng để điều khiển nhân vật và ra lệnh bằng những lần chạm tay vào màn hình cảm ứng... Chính vì thế sẽ khiến người chơi cảm thấy thoải mái khi tất cả mọi thứ không còn nhồi nhét vào chỉ một màn hình đơn điệu như các hệ máy trước nữa. DS chỉ thể 260.000 màu, tuy nhiên điều đó còn phụ thuộc vào khả năng của các hãng phát triển game khi biết cách khai thác hợp lý về khả năng của hệ máy này.

- Máy có thiết kế gấp đôi lại được, tương tự như máy GameBoy Advance SP trước đây, và được tích hợp hai màn hình tinh thể lỏng, đặc biệt màn hình bên dưới là cảm ứng. Máy Nintendo DS còn tích hợp một Micro và kết nối không dây chuẩn IEEE 802.11, cho phép người sử dụng có thể kết nối tới những người chơi khác trong phạm vi khoảng (10-20m tùy hoàn cảnh), hoặc kết nối trực tuyến nhờ dịch vụ Nintendo Wi-Fi Connection.



- DS thật đặc biệt, thật độc đáo và đa dạng trong nhiều cách sử dụng điều khiển. Có đến ba cách mà người chơi sẽ dùng trong từng game tùy hoàn cảnh thích hợp:

+ Đầu tiên, vẫn là cách điều khiển truyền thống. Với các nút điều khiển nằm hai bên màn hình cảm ứng ở dưới. Phía bên trái là phím di chuyển (D-pad), bên phải là các nút A, B, X, Y cùng với các nút Start và Select ngay bên trên chúng. Hai nút L+R nằm ở trên cùng máy. Các nút bấm này, tạo cảm giác thân quen ngày xưa với những ai đã từng gắn bó với các hệ máy cổ điển thời kỳ bốn nút.

+ Cách tiếp theo, được quan tâm và sử dụng nhiều nhất. DS có một màn hình cảm ứng nhạy cảm với các áp lực, được thiết kế tiếp nhận dễ dàng với bút cảm ứng đi kèm (stylus), ngón tay người, hay các vật nhỏ bằng nhựa. Màn hình cảm ứng cho phép người chơi tương tác với các vật dụng trong trò chơi một cách dễ dàng trực quan hơn là dùng các nút bấm. Ví dụ như trong Trauma Center: Under the Knife, cây bút cảm ứng có thể thay thế cho con dao mổ trong các khâu phẫu thuật, hay trong phần mềm chat PictoChat tích hợp trên máy, bút cảm ứng được dùng để viết chữ hoặc vẽ.



+ Ngoài bút "Stylus" ra, đi kèm DS còn có một phụ kiện khác khá độc đáo dành cho máy để tạo sự đa dạng phong phú hơn trong khi chơi. Đó là một sợi dây, phía trên đầu dây có một miếng nhựa láng, cùng chất liệu với bút cảm ứng. Ban đầu bạn cũng không biết công dụng của nó, nhưng khi chơi qua game Metroid, nhất định có lúc cũng cảm thấy khó chịu khi dùng bút, khi ấy bạn dùng sợi dây này, có thể nói nó sẽ hóa thân thành một chú "chuột máy tính" đúng nghĩa để rê và điều khiển thuận tiện hơn rất nhiều. Trong Mario 64, dây này dùng để di chuyển Mario linh hoạt hơn, và còn nhiều game khác mà bạn cần sự trợ giúp của trợ thủ đắc lực này, hãy tự khám phá nhé. Có thể nói đây là phụ kiện độc quyền của DS mà những đời sau của hệ máy này không được bán kèm.

+ Cách cuối cùng thật thú vị. Một micro được tích hợp ở phía dưới bên trái màn hình. Nó phục vụ cho nhiều mục đích, kể cả việc nhận dạng tiếng nói (game Nintendogs), chat giữa những người chơi (Metroid Prime Hunters, nhưng không vừa chơi vừa chat được), và những game mini yêu cầu người chơi phải thổi hoặc vỗ nhẹ vào micro (Feel the Magic: XY/XX, WarioWare: Touched!, Super Princess Peach,...). Trên thật tế đã kiểm chứng, microphone của DS rất nhạy khi ứng dụng vào game, đó là một điều đáng khen ngợi trong khâu thiết kế để sinh động hơn và tạo cảm giác mới lạ trong cách điều khiển tương tác trên game.


Đặc điểm kỹ thuật phần cứng và khả năng đồ họa, âm thanh:




- Trọng lượng : 275 grams (9.7 ounces).
- Kích cỡ : 148.7 x 84.7 x 28.9 mm (5.85 x 3.33 x 1.13 inches).
- Màn hình : hai màn hình tinh thể lỏng TFT 3 inch, độ phân giải 256 x 192 pixels, kích thước 62 x 46 mm và 77 mm đường chéo.



- CPU : Hai khiển RAM, một CPU ARM946E-S chính và một CPU ARM7TDMI tích hợp với cường độ làm việc chính xác là 67 MHz và 33 MHz.
- RAM : 4MB RAM di động.
- Nguồn điện : Yêu cầu 1.65 volts.
- Bộ nhớ : 256 KB Serial Flash Memory.
- Tích hợp kết nối không dây chuẩn 802.11b (WiFi Built-in 802.11b Wireless Network Connection)

- Hệ thống 3 chiều của máy thực hiện các hiệu ứng trong game như: biến đổi và chiếu sáng, bố cục, phối hợp chuyển đổi, tạo sơ đồ kết cấu trong đồ họ. Các hiệu ứng pha trộn, khử răng cưa, cel shading và z-buffering. Tuy nhiên, nó lại dùng hiệu ứng phủ màu cho điểm lân cận (point (nearest neighbor) texture filtering), khiến một số nền trong game trở nên xấu xí. Theo lí thuyết, hệ thống máy có thể họa nên khoảng 120.000 tam giác trên một giây với tốc độ 60 khung hình một giây (60 frames per second (FPS)).

- Hệ thống máy có hai engine 2D, mỗi engine cho một màn hình. Chúng cũng tương tự như engine 2D ở máy Game Boy Advance (nhưng mạnh mẽ hơn). Tuy nhiên nhân engine lại được chia ra thành nhân chính và nhân phụ. Chỉ có nhân chính mới có thể họa nền 3D. Nó còn có bộ nhớ 656 kilobytes.

- Xin lưu ý rằng khoảng cách giữa hai màn hình là 21 mm, tương đương với 92 dòng "ẩn". Màn hình dưới của DS là một màn hình cảm ứng nhạy cảm với các áp lực, cho phép tiếp nhận áp lực từ một điểm đến màn hình, làm cân bằng tiếp xúc nhiều điểm nếu cần thiết. (2 màn hình đều thể hiện 260k màu)

- Máy DS còn được trang bị loa stereo mang đến âm thanh nổi ảo (virtual surround sound), trang bị tại màn hình trên. Và đây là hệ máy chơi game cầm tay đầu tiên của Nintendo có loa stereo vì các hệ máy trước chỉ cho phép nhạc stereo qua headphone hoặc loa ngoài. Âm thanh thể hiện rõ ràng trên hai chiếc loa nhỏ trong các giai điệu của game. Nó cũng được đánh giá cao hơn loa tích hợp của DS Lite, hệ máy đời sau.


Pin của Nintendo DS

- Máy Nintendo DS sử dụng một pin sạc lithium-ion. Cứ một giờ sạc mang lại khoảng 6->8 giờ chơi. Dung lượng pin bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như loa, việc sử dụng một hay cả hai màn hình, đèn màn hình, và kết nối mạng. Nhưng nguyên nhân chính là đèn màn hình gây tổn hao năng lượng nhiều nhất, trong game Super Mario 64 DS, đèn màn hình có thể tắt đi khi truy cập menu chính để tiết kiệm pin khi chơi game trong điều kiện đã đủ ánh sáng. Pin đã được thiết kế để chỉ có thể gỡ ra khi đã hết hạn và cần thay. Nó có thể được gỡ ra dễ dàng bởi tơ vít Phillips. Gỡ pin ra sẽ khiến máy DS bắt buộc bạn phải nhập lại toàn bộ thông tin về người sử dụng lẫn các cài đặt. Việc này không ảnh hưởng tới các save game trên game card và băng Game Boy Advance. Ngoài ra, DS còn có thể sử dụng pin của Gameboy Advance SP (có kích thước nhỏ hơn một chút), nhưng chỉ cần chêm một vật như giấy hay nhựa... Nó vẫn có thể dùng thay thế tốt khi bạn không tìm được một viên pin zin của DS.

- Để kéo dài thời gian sử dụng pin khi đang chơi game, người chơi có thể gập máy để máy rơi vào trạng thái "sleep" và dừng game. Máy có thể sleep nhiều giờ mà hầu như tiêu tốn pin rất ít (để giữ các trạng thái vẫn còn hoạt động trong game). Tuy nhiên, gập máy lại khi đang chơi một game của Game Boy Advance sẽ không đưa máy vào trạng thái sleep, game vẫn sẽ chạy tiếp cùng với đèn màn hình. Một số game nhất định (như Animal Crossing: Wild World) cũng sẽ không tắt trừ đèn màn hình và loa. Khi đang save game Pokémon Diamond và Pokémon Pearl và Zoo Tycoon DS, máy sẽ không sleep...

- Sự thật thì chế độ sleep của DS chỉ là một biện pháp nhất thời, dùng trong những trường hợp có việc đột xuất xen ngang trong khi chơi game. Thì khi đó game thủ có máy DS, sẽ làm theo bản năng là gập nắp máy lại và chuyển sang chế độ "ngủ"... Sau khi gập máy lại, các hoạt động trong game sẽ tạm dừng, nhưng trong khi đó, máy DS và Flashcard vẫn còn hoạt động để giữ lại các tình tiết đang chạy trong game. Và vì thế DS vẫn cứ tiếp tục nạp năng lượng vào Flashcard, dần dần nếu bạn để sleep quá lâu, thì máy DS của bạn vẫn dần hao mòn năng lượng của pin, dẫn đến tình trạng DS hết pin trong lúc "sleep"... Tình trạng mau hết pin này còn có một nguyên nhân khác, là dưới khe slot 2 của bạn có gắn thêm bất kỳ một băng GBA (Gamepaks) hoặc là FlashCard Slot 2.

- Quá trình này có thể tưởng tượng như một chiếc máy phát điện cho nhiều phương tiện trong nhà. Như vậy, hiểu theo nghĩa đơn giản, thì càng nhiều phương tiện kết nối thì càng hao tốn năng lượng. Hoặc hiểu theo nghĩa khác, như đã biết, khi một dòng điện năng được nạp trong một phương tiện, nó sẽ liên tục xoay vòng, thì trên đường đi nó sẽ bị lực "ma sát" tiêu hao đi đáng kể, và đây chính là nguyên nhân chính ngây tổn hại hao tốn pin của DS. Cũng giống như một chiếc TV đã tắt đèn màn hình, nhưng vẫn chưa rút hẳn dây điện ra, thì nó vẫn hao tốn điện năng trong nhà!


Thẻ game của máy:



- Game được đặt trong một băng game cắm vào một cái thẻ nhớ tương tự thẻ nhớ của máy chụp ảnh kĩ thuật số. Băng game hiện giờ tương thích với các loại thẻ nhớ có dung lượng đến 2GB. Băng game luôn có một lượng nhỏ bộ nhớ trong và một EEPROM để save game. Kích thước băng game là 33.0 × 35.0 × 3.8 mm(bằng và dày khoảng một nửa so với băng game của Game Boy Advance) và nặng 3.5 g (1/8 ounces).

- Dựa vào lời của người phát triển game MechAssault: Phantom War trên IGN thì những game card có dung lượng lớn (như 128MB) sẽ có tốc độ truyền dữ liệu chậm hơn so với các game card thông thường (64MB). Tuy nhiên tốc độ chính xác không được nói đến. Nhân của hệ thống game card là Nitro, nguyên gốc của chữ NTR trong số serial number được viết trên mặt sau của game card. NTR-XXX chỉ ra số model tìm thấy trên máy DS gốc và phụ kiện của nó.

- Game Card đối với thị hiếu game thủ Việt Nam có giá khá cao, vẫn còn là nỗi băng khoăn của nhiều người. Game Card có lợi thế khi không bị mất save như trên GBA, chính vì nó save bằng IC trong hệ thống chip. (một số băng GBA thì save bằng pin). Mặt khác, nó sẽ có giá trị khi sưu tầm, đối với những fan trung thành của một dòng game nào đó. Với hàng loạt game đỉnh của những hệ máy cũ trước đây lần lượt "tái xuất" mang đến nhiều thành công nhất định như Mario 64 hay Final Fantasy 3... Bên cạnh đó xuất hiện hàng loạt tựa game "sáng giá" + "sáng tạo" với những ngôi sao và tượng đài lớn của Nintendo như Pokemon, Zelda, Mario cứ sống mãi trong lòng người hâm mộ...

- Và tiếp theo, chúng ta không thể không nhắc đến một phương pháp chơi game khác trên DS, mà giới mộ điệu thường gọi chung la Flashcard! Một giai thoại vô cùng ý nghĩa của thời kỳ đầu tiên khi mà giá game của vẫn còn khó chịu cho đến ngày nay. Với phụ kiện này, hiểu theo kiểu đơn giản là đó một thiết bị có kích cở tương đương với băng DS (Game Card). Loại Flashcard này được ưa chuộng bởi nó được lưu trữ bằng một chiếc thẻ nhớ Micro SD gắn vào để lưu trữ rom game và file save. Và như thế, các game thủ đã không còn dùng băng nữa, vì giá thành một cuốn băng quá đắc! Trong khi đó, chỉ với bất kỳ một loại Flashcard bất kỳ, bạn có thể vô tư chép game một cách thoải mái từ các trang download rom games chuyên dụng.


R4 - Flashcard chơi game copy, có thể được xem là thông dụng nhất Việt Nam

- Sớm khẳng định được tính năng ưu việc của mình. Ngày nay, Flashcard là một phụ kiện không thể thiếu đối với những ai sở hữu DS. Tầm ảnh hưởng quan trọng của nó không đơn thuần chỉ để chơi game copy. Mà nó còn dùng để sử dụng các ứng dụng homebrew tiện dụng của DS, nếu thật sự muốn chiếc máy thể hiện hết khả năng, bạn phải dùng đến các ứng dụng này để biến DS thành một phương tiện giải trí đa phương tiện. Với DS và Flashcard, nó không đơn thuần chỉ để chơi game!


Các tính năng khác:


Nintendo Wi-Fi Connection

- Nintendo Wi-Fi Connection là một dịch vụ chơi game trực tuyến không dây miễn phí được thiết lập bởi Nintendo. Người chơi với máy DS và Wii thích hợp có thể kết nối tới dịch vụ này thông qua một mạng kết nối không dây. Dịch vụ này được thiết lập tại Bắc Mỹ vào ngày 14 tháng 11 năm 2005 với sự phát hành của Mario Kart DS và Tony Hawk’s American Sk8land. Một giao diện duyệt web, Nintendo Web Browser, đã được ra mắt cho phép việc duyệt web trên máy.


Download play

- Với những tựa game nhất định như Mario Kart DS, New Super Mario Bros., và Meteos, người chơi có thể chơi những game nhiều người với người chơi DS khác mà chỉ sử dụng một game card. Người chơi phải để máy của họ ở trong tầm mạng không dây(lên đến 100feet). Các hệ máy "khách" có thể download dữ liệu từ máy chủ qua việc lựa chọn cài đặt DS Download Play option. Nhiều cửa hàng bán lẻ game DS có trạm DS Download Stations cho phép người chơi download các đoạn demo và phim game DS và Wii. Tuy nhiên, vì lí do giới hạn bộ nhớ nên những file download bị xóa đi ngay khi máy bị tắt.


Pictochat

- DS kèm theo một phần mềm Pictochat thích hợp dùng cho việc tán ngẫu "chat" bao gồm 1 bàn phím "cảm ứng" và bạn có thể chat cùng 1 lúc với 16 người ở 1 phòng bất kỳ. Trong Setting gồm có lịch vạn niên, đồng hồ, chuông báo thức, hiển thị tên cùng các chức năng chỉnh giao diện cho game GBA, đổi màu theme nền DS, chọn ngôn ngữ (English, Japanese, Spanish, French, German, Italian)...


Khả năng tương thích

- Máy Nintendo DS chơi được băng game Game Boy Advance (slot 2), card DS (slot 1), không chơi được game Game Boy Color và Game Boy vì máy không sử dụng nhân tương tự Zilog Z80 trên các hệ máy kia. Máy không có lỗ cắm cho dây nối GameBoy Advance Link Cable, nên kiểu kết nối GameCube - GameBoy Advance không thích hợp với máy. Máy DS chỉ sử dụng một màn hình khi chơi game GameBoy Advance. Người chơi có thể chọn lựa màn hình trên hoặc dưới để hiển thị khi chơi. Màn hình máy khi chơi game GameBoy Advance có một khung đen vì sự khác biệt chút ít giữa kích thước giữa hai màn hình. Việc cắm hai băng DS và GameBoy Advance có thể mang lại việc mở một số đặc trưng trong game ở một số game nhất định, điển hình là Pokémon Diamond và Pearl dùng để chuyển Pokemon qua từ các phiên bản của Gameboy Advance. Slot 2 còn có thể cắm Rumble Pak (một phụ kiện hỗ trợ rung trong một số game) và băng game mở rộng bộ nhớ DS (Nintendo DS Memory Expansion Pak), cho phép mở rộng thêm bộ nhớ cho Nintendo DS Browser được 10MB. Ngoài ra, máy có thể kết nối với Wii qua mạng không dây Wi-Fi trong mốt số game, điển hình là Pokemon Battle Revolution.


DS cùng học sinh cắp sách đến trường

- Ở nhiều Nước, trong các trường học, chiếc máy Nintendo DS còn được sử dụng trong cả việc học tập. Để giúp ích cho các em nâng cao khả năng tiếng Anh, cũng như các môn khoa học và toán, các giáo viên sẽ phát cho các em học sinh những chiếc máy DS đã được tích hợp các phần mềm học tập trong giờ học. Và hiển nhiên sau giờ học, các chiếc máy đó sẽ được thu lại để chấm điểm và đánh giá khả năng làm bài của các em. Một cách học tập thật thú vị phải không?

- Ý tưởng này trước đây đã có ở hội đồng giáo dục Nhật Bản thử áp dụng một phương pháp giáo dục mới trong đó máy chơi điện tử cầm tay Nintendo DS được đưa vào 10 trường tiểu học và trung học Nhật Bản để phục vụ cho việc học tập của học sinh. Tất nhiên những chiếc máy Nintendo này được cài đặt chương trình phù hợp với chương trình học trên lớp. Kế hoạch đã được thực hiện từ hồi đầu tháng 1 năm 2009, và các ngôi trường đã bắt đầu áp dụng việc phân phát các "thiết bị học tập" độc nhất này cho học sinh của mình.

- Phương pháp giáo dục mới này đã được Sở giáo dục cấp cao thành phố Osaka thông qua. Thông qua kế hoạch, sở giáo dục muốn thử nghiệm xem các trường học khai thác thiết bị này trong lĩnh vực dạy học như thế nào. Cũng không nằm ngoài dự đoán khi kế hoạch vấp phải không ít chướng ngại vật từ dư luận. Điều mà dư luận quan tâm hơn cả là Nintendo sẽ ẵm được một khoản tiền kha khá từ "phương pháp giáo dục" mới này. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng lo ngại rằng bọn trẻ sẽ lạm dụng máy Nintendo và trở nên hư hỏng.




Nintendo DS xuất hiện để nói lời tạm biệt Gameboy...

- Đại đa số thành phần game thủ, ở nhiều độ tuổi vào những thập niên 80, 90. Thì chiếc video game đầu tiên họ chơi chính là NES (Nintendo Entertainment System), và chắc chắn phải nhắc đến cái tên Super Mario Bros! Một trò chơi đã ra đời cách đây 25 năm, một trò chơi đã dạy cho nhiều người trở thành một game thủ chính nghĩa như ngày hôm nay. Nó dường như trở thành một thói quen của nhiều người trong cuộc sống đời thường. Nó như một bản hùng ca đang ngân nga... mà chiếc Controller trở thành một công cụ cho chúng ta dùng đôi bàn tay chơi nên một giai điệu vĩnh hằng.

- Ngày hôm nay đây, những bản sắc đó vẫn còn vẹn nguyên trên DS. Nintendo đã khôn khoan cậy nhờ vào lịch sử và truyền thống của mình để hồi sinh nhiều tượng đài đã trở thành huyền thoại tái xuất trên hệ máy có màn hình đôi này. Với nhiều cải tiến sáng giá, DS đã không làm game thủ thất vọng về khả năng của nó. Nhưng chúng ta phải nhắc đến, giai đoạn ở khúc giao thời của DS và Gameboy... Giai đoạn này Nintendo đã rất khó khăn trong việc quyết định... hy sinh Gameboy để củng cố DS.



- Nintendo đã bán hơn 118 triệu máy Gameboy và 82 triệu máy Gameboy Advance. Thành công quá khứ của Gameboy đã làm nên động lực cho công ty này tung ra thị trường liên tục các thế hệ đàn em của Gameboy... như Gameboy Advance, SP và Micro, và đặc biệt là Nintendo DS, Lite và DSi LL... các sản phẩm đó cũng đoạt doanh thu hơn 100 triệu máy bán ra trên toàn Thế Giới... Gameboy mãi mãi là một huyền thoại của Nintendo nói riêng, của thế hệ máy game cầm tay nói chung, mang đến cho gamer những giây phút ý nghĩa ngọt ngào nhất. Nếu như Milton Bradley của hãng Microvision được mệnh danh là thủy tổ của thế hệ máy game cầm tay, thì Gameboy chính là ngôi sao sáng nhất, tiên phong làm nên thành công của thế hệ máy game di động trong Thế Giới game!

- Tại E3 năm 2007, gian hàng của Nintendo tuyệt nhiên không còn các thiết bị Game Boy, một điềm xấu đã đến với các fan hâm mộ của chiếc máy cầm tay vốn đã ra đời từ năm 1989. Và trong phát biểu của mình trước hàng trăm khán giả, chủ tịch Nintendo Satoru Iwata đã nhắc đến "một cuộc chia tay cần thiết" với sản phẩm này. Iwata cho rằng việc đầu tư vào chiếc máy chơi game cầm tay cổ điển GameBoy sẽ không mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới khi thiết bị hai màn hình thế hệ mới DS đang dần khẳng định được vị trí của mình. Bởi vậy, hãng đại gia Nhật Bản sẽ xem xét khả năng ngừng sản xuất tất cả các phần mềm và phần cứng đối với chiếc máy tí hon nhưng cao tuổi này. Phát biểu nói trên của Satoru được đưa ra sau khi một nghiên cứu cùng năm này, của các nhà phân tích game chỉ ra rằng Nintendo đã tiêu thụ hết hơn 16 triệu máy DS, vượt qua hàng triệu đơn vị so với số lượng bán ra của đối thủ trực tiếp PSP bên phía Sony. Nintendo đã không thất hứa về lời nói của mình khi quyết định tạm biệt Gameboy...

- Nhưng điều quan trọng nhất! Gameboy vẫn còn đó những hoài mong, không chỉ trong tư tưởng game thủ, mà nó còn sống mãi khi được tích hợp trên slot 2 của DS. Thời gian thấm thoát trôi qua gần 7 năm, dòng máy DS đã thật sự chứng minh được vị thế của mình trên Thị Trường game. Để mỗi khi người ta nhắc lại cuộc chia tay đó... Sẽ không ai còn cảm thấy buồn khi nhớ về giai đoạn tạm biệt Gameboy, giai thoại có ý nghĩa nhất về một cuộc chia ly cần thiết... Bệ phóng lên vinh quang của DS là Gameboy, không có gì không thể phủ nhận. DS sẽ tiếp bước đàn anh để tạo động lực thúc đẩy cho đàn em ở thế hệ sau, Nintendo 3DS... các bạn hãy chờ xem để chứng kiến một cuộc cách tân mới nữa nhé, cuộc cách tân được đánh giá là dẫn đầu game 3D hiện đại của công ty Nintendo trong năm 2011!

 

Kawaii

Super Princess Peach
Mini Review Nintendo DS Lite


- Nintendo DS Lite là một hệ máy handheld game console được phát triển và sản xuất bởi Nintendo. Đây là một phiên bản thiết kế mới thanh lịch hơn, hiển thị sáng hơn, và nhẹ nhàng hơn của Nintendo DS, với tính thẩm mỹ cao và hình mẫu khối lấy từ Game Boy Advance SP, nhằm mục đích hấp dẫn người tiêu dùng. Hệ máy được thông báo toàn diện vào ngày 26 tháng 1 năm 2006, một tháng trước khi ra mắt tại Nhật là ngày 2 tháng 3 năm 2006, vì có quá nhiều đòi hỏi được đặt ra cho Nintendo DS. Hệ máy đã được phát hành tại Nhật, Úc, Bắc Mĩ, Châu Âu, New Zealand, Singapore, một số nước Nam Mĩ, Đông Âu và Hàn Quốc. Cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2007, doanh số của DS Lite đã đạt được 45,97 triệu máy trên toàn cầu.

- DS Lite là phiên bản "hoàn thiện hơn" của DS với rất nhiều cải tiến về toàn diện máy, thể hiện đẳng cấp của một công ty danh tiếng với những đứa con tinh thần của mình và đang là cơn sốt của game thủ trên toàn Thế Giới. DS đã xuất hiện khá lâu, mang đến những thành công nhất định trên cuộc chiến handheld, tại sao Nintendo lại muốn cải tiến ? Đơn giản là họ muốn ban tặng cho fan và hướng đến những đối tượng về tính thẩm mỹ nhiều hơn, toàn diện về ngoại tiết bên ngoài lẫn chi tiết bên trong đều thật sự hợp lý tuyệt vời, đây cũng chính là chiến thuật của "Chàng Nấm Nintendo" tung ra để hạ đo ván các đối thủ như họ đã từng làm trên hệ máy đầy kỹ niệm, GBA !


- DS Lite được thiết kế thu nhỏ hơn 40% kích thước so với phiên bản DS nguyên mẫu, điều này dẫn đến việc màn hình của DS Lite cũng được rút gọn lại một ít và việc phân bố các thiết bị trên DS Lite như loa, headphone, nút tắt máy cũng thay đổi khác hẳn so với DS gốc. Tiếp theo đó, điểm cải tiến đáng quan tâm nhất chính là chế độ ánh sáng màn hình và màu sắc của DS Lite được thiết kế lại rất đẹp và có thể tùy chỉnh ánh sáng theo 4 cấp độ khác nhau cực đẹp.

- Nếu có dịp được chơi máy DS Lite rồi, bạn sẽ thấy thiếu thiếu một cái gì đó khi chơi lại DS gốc. DS Lite hơn hẳn người đàn anh của mình ở cả mặt năng lượng, với cải tiến quan trọng DS Lite có khả năng sạc pin nhanh hơn và chơi lâu hơn hẳn DS cũ.




DS Fat & DS Lite

- Trọng lượng: 218 g / 7.69 oz (nhẹ hơn DS 21%).
- Kích thước: 133 mm × 73.9 mm × 21.5 mm (so với 148.7 mm × 84.7 mm × 28.9 mm của DS thì là nhỏ hơn 42%). Tính đơn vị in, DS Lite có kích thước 5.24 in × 2.9 in × 0.85 in.


- Dung lượng pin dài hơn DS. Sau ba giờ sạc, pin DS Lite dùng được 14 đến 19 giờ với độ sáng yếu nhất; 5 đến 8 giờ với độ sáng cao nhất (có thể phụ thuộc vào game). Sau 500 lần sạc, dung lượng pin có thể giảm bớt đi. DS sử dụng một pin 850mAh, trong khi DS Lite sử dụng một pin 1000mAh.


- Màn hình LCD sáng hơn (cả trên lẫn dưới), với bốn độ sáng khác nhau. Màn hình bền hơn, được thiết kết chống va chạm mạnh. Cả hai màn hình cho màu sắc đậm đà tươi sáng đồng nghĩa với việc khử bớt những răng cưa, hoàn hảo tuyệt vời hơn về khâu đồ họa cho những game khi thưởng thức.

- Bút cảm ứng lớn hơn, giúp việc cầm nắm được dễ dàng hơn(kích thước dài 87.5 mm × 4.9 mm so với 75.0 mm × 4.0 mm của DS). Bút cảm ứng giờ đây nằm trong một lỗ ngang cạnh nút tắt/mở, dễ sử dụng hơn.


- Có khả năng nhận sóng Wi-Fi từ những hệ máy Nintendo DS/DS Lite, Nintendo Wii và điểm truy cập Wi-Fi. Support mạng WEP mã hóa và không mã hóa. Không support mã WPA.


- Tại Nhật, chiếc dây đã không còn có một đầu cảm ứng ngón cái; ở Bắc Mĩ, Úc và Châu Âu, thì sợi dây đã không còn đi kèm với DS Lite, nhưng hệ máy vẫn còn một lỗ trống để gắn dây.


- D-pad đã giảm xuống còn 18.6 mm bề ngang(nhỏ hơn DS 16%), nhưng các nút A, B, X, Y vẫn giữ nguyên kích thước. Trên D-pad có các dòng kẻ, một kiểu thiết kế xuất hiện trên Wii Remote và Game Boy Micro.
- Các kiểu cổng ngoài mới, khiến hệ máy trở nên không thích hợp với các phụ kiện dành cho cổng Game Boy Advance và slot 2. Cổng kết nối mới chỉ dành cho dây nguồn adapter.
- Nút tắt/mở giờ đây trở thành một nút gạt và nằm ở cạnh phải hệ máy.
- Thiết kế mới của hệ máy đã khiến các băng game Game Boy Advance thừa ra ngoài khe cắm 1 cm. Thêm vào đó, để hệ máy có được một lớp vỏ liền mạch, không bám bụi bẩn và kẹt các vật lạ trong khe, một băng cắm dành riêng cho slot 2 cần phải
có.
- Các chip xử lí vẫn tương tự như DS, nhưng lại được thiết kế đặc biệt để hao tốn ít năng lượng hơn.
- Microphone tích hợp giờ đây nằm giữa hai màn hình trên dưới của DS Lite.

 

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
Mini review Nintendo DSi


Lần này, Nintendo mang lại khá nhiều cải tiến cho phần cứng của máy chơi game cầm tay DS (Dual-screen), và có thể gọi đây là thế hệ thứ 3 của dòng máy này.

"Nintendo DS !" sẽ là câu trả lời, nếu bạn được hỏi rằng mình thích nhất máy chơi game cầm tay loại nào nhất ! Điều này cũng được chứng minh bởi hơn 100 triệu máy Nintendo DS được bán sạch veo, kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên cho đến nay. Nintendo hoàn toàn có thể đặt tay sau gáy, mà nhìn ngắm doanh số của mình trên thị trường máy chơi game cầm tay một cách thông thả, bởi họ biết chắc rằng họ đang có một vị thế an toàn.

Tuy vậy, đó không phải là cách mà Nintendo tự mãn nguyện, họ vẫn tiếp tục có những phiên bản nâng cấp đáng giá cho sản phẩm của mình. Như đã làm với dòng sản phảm "Game Boy", tất cả chỉ nhầm mang đến cho khách hàng nhưng gì họ muốn có, hoặc hơn cả nhưng gì họ mong đợi.

Chính vì thế, chúng ta đã nhìn thấy sự ra đời của Nintendo DSi, "cục cưng" mới nhất của Nintendo, mang trên mình những nét quyến rũ từ phiên bản trước đó, cùng với những nâng cấp đáng chú ý và sự cải tiến về tổng thể. Và, một câu hỏi bao giờ cũng được đặt ra cho một sản phẩm nâng cấp từ nền tảng cũ, đó là: "Liệu rằng sản phẩn này có thực sự đáng giá để chúng ta chi tiêu mạnh tay, nhầm có được những nâng cấp mới ấy hay không ?"



.: Nintendo DSi từ "cái nhìn đầu tiên" :.

Nếu bạn cầm trên tay chiếc DSi và DS Lite, thì bạn sẽ thấy rằng chúng chẳng khác nhau là bao. Nhưng nếu tinh ý, bạn dễ nhận ra là DSi mỏng hơn một chút và còn rộng và dài hơn vài centimet nữa. Chỉ với một sự thay đổi nhỏ về ngoại hình như thế, nhưng chứa đựng khá nhiều sự thay đổi bên trong phần cứng.


(Kích thước: 13.7 x 7.49 x 1.89 cm )

Nút bấm được in sắc nét, được tích hợp 2 camera (vâng! đến 2 cơ đấy!!! :D ) , khe đọc SD-card hỗ trợ thẻ lên đến 32GB, và màn hình được mở rộng thêm 0.25 inch, bộ xử lí (CPU) 133MHz ARM9E (thay cho CPU cũ chỉ có 66MHz), tăng cường thêm 16MB bộ nhớ RAM, phần mặt sau của máy được làm lám nhám, để ngón tay người chơi bám giữ máy tốt hơn, tạo cảm giác chắc chắn không trơn trợt. Đó là những gì mà Nintendo đã nhào nặng trên chiếc DSi của họ. Bạn sẽ nhận thấy rằng "Game Boy Advance" (GBA) sẽ mất phần trên chiếc DSi, nhưng điều này sẽ không làm phiền lòng cho nhưng ai sở hữu chiếc DSi, bởi họ sẽ được đền bù bằng những nâng cấp thật sự ấn tượng hơn.




.: ...đến từng chi tiết :.

Sự thay đổi từ CPU 66MHz lên 133MHz ARM9E, dù chỉ là rất nhỏ nhưng vẫn mang lại nhiều hứa hẹn cho những quá trình xử lý cần thiết những game 3D được tốt hơn trên nền phần cứng mới.

Với DSi, tất cả đều mới và tốt hơn, giao diện sử dụng hiển thị thành một hàng dài những icon (hầu hết còn vẫn còn là những ô trống), việc điều chỉnh độ sáng của màng hình bằng cách nhấn-giữ "select" và nhấp nút điều chỉnh âm lượng (volume buttom) - có 4 mức chỉnh sáng cho màn hình, có thể khởi động lại máy không cần tắc nguồn (soft-reset).

Nhiều tính năng mới như thế đồng nghĩa với việc tiêu tốn pin hơn so với phiên bản máy DS Lite một chút, thời gian sử dụng sẽ khoảng 6 giờ liên tục khi pin được sặc đầy, ở mức sáng cao nhất của màn hình. Và đây cũng là một khuyết điểm đáng tiếc nhất, nhưng xét cho cùng thì việc sặc pin cũng không đến nỗi quá phức tạp đối với người sử dụng .

Theo "kotaku.com", thời gian dùng pin của DSi và DS Lite như sau :
(http://kotaku.com/5057883/lets-compare-the-ds-lite-and-the-dsi) .

Nintendo DSi:
Low brightness (8-12 giờ),
Medium brightness (6-9 giờ),
High brightness (4-6 giờ),
Highest brightness(3-4 giờ)

Nintendo DS Lite:
The lowest brightness (15-19 giờ),
Low brightness (10-15 giờ),
High brightness (7-11 giờ),
Highest brightness(5-8 giờ)






Trên Menu chính của Nintendo DSi, có rất nhiều những icon còn trống, điều này cho thấy rằng bạn sẽ có thể mang về những thứ mình cần từ "DSi shop", thông qua chức năng wireless, với những nội dung vô cùng đa dạng và phong phú, để có thể lấp đầy những chỗ trống ấy. Bạn có thể trao đổi qua lại Nintendo Points giữa chiếc DSi và máy Wii của mình, và tất nhiên nhận được mọi ưu đãi tương ứng khi là một thành viên của "CLUB NINTENDO" (https://club.nintendo.com/) . Ngần ấy thôi, thiết nghĩ cũng đủ bù đấp cho sự vắng mặt của khe cấm GBA trên chiếc DSi rồi !


Dĩ nhiên, có rất nhiều người dùng sẽ mong muốn sử dụng chức năng chụp ảnh trên thiết bị cầm tay của mình, và chiếc DSi đã không làm họ phải thất vọng. Bạn có thể chụp hình của mình hay của người khác bằng 2 chiếc camera được tích hợp sẵn. Với "trình biên tập ảnh", óc thẩm mỹ của bạn tha hồ nhảy múa với việc thêm vào nhiều hoạ tiết khác nhau tuỳ thích để tấm ảnh của mình thêm sinh động .


Mặc dù hoàn toàn có thể xuất những tác phẩm của bạn ra một thiết bị khác thông qua DS card, nhưng độ phân giải 0.3 megapixel chưa cho phép bạn có thể dùng những hoạ tiết phức tạp ở nơi có ánh sáng yếu, và bạn cần phải ngắm thật kỹ trước khi "bấm máy" để cho một tấm ảnh đẹp ! Suy cho cùng, thì chức năng chụp ảnh không phải là chức năng chuyên biệt của DSi, nên chất lượng ảnh không bằng những thiết bị chuyên dụng khác cũng không phải là điều khó hiểu.

Kế đến là "trình âm thanh" (Sound feature) của DSi, đây là một trong những phần khá thú vị. Cho phép bạn ghi âm giọng nói của mình rồi chỉnh sửa sao cho vừa ý nhất với nhiều hiệu ứng âm thanh khác nhau, và lưu vào máy hoặc vào thẻ SD.


Một điều lưu ý, DSi chỉ có thể đọc định dạng AAC (định dạng file nhạc của máy iPod) - ngoài ra, không hỗ trợ các định dạng file khác, kể cả file mp3 .

.: Vài dòng cảm nghĩ riêng về Nintendo DSi:.

Nhìn chung, DSi cũng không quá mới mẻ so với chiếc DS Lite, nhưng nó mang lại nhiều thú vị riêng của mình. Dù rằng, không hỗ trợ tương thích ngược cho GBA, và tồn tại sự giới hạn của một vài chức năng, nhưng bù lại là một "DSi shop" và nền tảng phần cứng mạnh mẻ hơn đầy ấp hứa hẹn, cả việc hỗ trợ bộ nhớ mở rộng thông qua bộ đọc thẻ nhớ SD.

Tuy vậy, để trả lời cho câu hỏi "Liệu rằng chiếc DSi có đáng giá để thay thế cho chiếc DS Lite mà bạn đang dùng ngay lúc này hay không?" , thì với một số tính năng mới ấy vẫn chưa đủ thuyết phục cho một câu trả lời là "Có" , trừ khi bạn có lí do khác .

Dù sao đi nữa, thì chiếc DSi vẫn là một "cuộc cách mạng" đình đám, một sản phẩm tuyệt vời của dòng máy chơi game cầm tay này, điều đó không ai có thể phủ nhận.

 

Tirexxx

Khủng long chân dài
Thành viên BQT
Mini review Nintendo DSi LL (DSi XL)




Ngày 29 tháng 10 năm 2009, Nintendo đã chính thức giới thiệu phiên bản thứ 4 của dòng máy chơi game cầm tay DS, với tên gọi "DSi LL" (tại thị trường Nhật Bản), hay còn được gọi là "DSi XL" (tại thị trường Mỹ và Châu Âu, sẽ được ra mắt vào quí đầu năm 2010). Không "rình rang kèn trống", nhưng thế hệ kế tiếp này của hệ máy Nintendo DS đã làm cho những người quan tâm đến thiết bị chơi game cầm tay thật sự bất ngờ về 'thể hình vạm vỡ' của chiếc DSi LL/XL.

Ấn tượng với kích thước "ngoại cỡ"...

Đúng với tên gọi 'XL/LL' - kích thức màn hình được nâng lên đáng kể - DSi LL/XL sở hữu màn hình 4.2 inch (TFT tinh thể lỏng 260.000 màu). Và tất nhiên, là cả các số khác đo đều phình ra, cụ thể là:

Chiều rộng: 161.0 mm
Chiều dài: 91.4 mm
Bề dày: 21.2 mm
Khối lượng: 314g

Ngay cả chiều dài của chiếc 'stylus' cũng thay đổi, 'stylus' cỡ nhỏ có chiều dài chỉ 96.0 mm, và có hẵn 01 'stylus' cỡ lớn dài đến 129.3 mm được thiết kế riêng !
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, chiếc 'stylus' cỡ lớn mang lại cảm giác cồng kềnh, và không ưa nhìn.




(... so với DSi phiên bản thường)

Với thời lượng pin được cải thiệt so với DSi thường, DSi LL/XL có thể hoạt động từ 04 đến 05 giờ liên tục ở chế độ màn hình sáng tối đa, và 13 đến 17 giờ liên tục ở chế độ màn hình sáng ở mức trung bình). Thời gian sạc đầy cho pin là khoảng 03 giờ (khi pin đã cạn hoàn toàn).

Nhìn chung, DSi LL/XL vẫn không có thay đổi gì về những chức năng chính (cả phần mềm và phần cứng), so với DSi phiên bản thường. Vẫn được trang bị: khe đọc băng DS, khe đọc thẻ nhớ SD.










Hiện tại, DSi LL có 3 màu, đó là: màu nâu, màu trắng, và màu đen. Cả 03 màu mang lại cảm giác chắc chắn, và sang trọng.



"lớn hơn... thì tốt hơn"


Kích thước màn hình là khuyết điểm của dòng máy Nintendo DS luôn được đề cập đến - những chi tiết hiển thị quá nhỏ trên màn hình, sẽ khiến người chơi phải châm chú trong nhiều giờ chơi liên tục có thể gây hại đến mắt. Giờ đây, với 4,2 inch thì vấn đề này được giải quyết một cách tuyệt vời !

Từ ngữ được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong mỗi trang thông tin về DSi LL/XL của Nintendo vẫn là: "to hơn", "rộng hơn" hay "lớn hơn"... Cho thấy, điểm lôi cuốn nhất của chiếc DSi LL/XL, chính là kích thước !

Màn hình rộng hơn mang lại cảm giác thật sự thoải mái cho người chơi !

Nếu như, chiếc DSi chưa có đủ lí do để khiến bạn muốn thay thế chiếc DS-lite của mình, thì giờ đây bạn đã có thêm lựa chọn nữa, đó chính là "DSi LL/XL". Điều này được chứng minh, bằng con số cụ thể - tại thị trường Nhật Bản, chỉ sau 2 ngày ra mắt, doanh số bán lẻ của Nintedo DSi LL130.524 chiếc.

 

Bình luận bằng Facebook

Pokémon Center

Pokémon Center Việt Nam

Cộng đồng Facebook của NintendoVN

Top